Mô tả
Quốc Sử Di Biên
Quốc sử di biên, tên đầy đủ là Dưỡng Hạo Hiên đỉnh tập Quốc sử di biên, là một quyển sử tư nhân, viết theo lối Hán văn cổ, ghi chép và bổ sung những sự kiện mà quốc sử của triều Nguyễn (Việt Nam) còn bỏ sót hoặc đề cập chưa chính xác. Sách do Thám hoa Phan Thúc Trực biên soạn bằng chữ Hán, chép theo lối biên niên, thực hiện khoảng năm Tự Đức thứ 4 đến thứ 5 (1851-1852).
Quốc sử di biên ghi chép các sự kiện xảy ra trong giai đoạn 1802-1847, trải qua các đời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị; đề cập đến nhiều phương diện như: chiếu dụ, pháp lệnh, kiến chế, ngoại giao, xã hội, tập tục… Ngoài ra, sách còn chép khá tường tận về các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam như Tuệ Tĩnh, Hà Tông Quyền… Có nhiều chuyện nằm bên ngoài quốc sử triều đình là quyển Đại Nam thực lục, nên rất có giá trị nghiên cứu lịch sử. Hơn nữa, bản thân tác giả từng phục vụ trong nội các triều đình, từng giữ chức Thị giảng ở Viện Tập hiền và Kinh diên khởi cư trú nên rất am hiểu về các sự việc trong nội bộ triều Nguyễn, do đó, càng làm tăng thêm mức độ tin cậy của quyển sách này. Trong Quốc sử di biên, Phan Thúc Trực ghi chú nhiều chỗ, liên quan đến các sự thật lịch sử, lại có thêm phần Tham bổ ngoại truyện, dẫn người đọc đến một tác phẩm khác của ông là Trần Lê ngoại truyện.
Theo học giả Trần Kinh Hòa, thì Quốc sử di biên là một bộ sử tư nhân, được tác giả ghi chép khá kỹ càng, với tinh thần thẳng thắng, không né tránh sự thật, cung cấp cho người đọc một cách nhìn đa chiều về các sự kiện và nhân vật mà nó đăng tải… Bởi tác giả của nó không chịu áp lực của nhà cầm quyền đương thời như là các sử quan biên soạn bộ Thực lục hay Liệt truyện. Ông cho rằng đây là một bộ “tín sử” có giá trị đặc biệt “thiết tưởng không có quyển sách nào hơn được” đối với những người muốn nghiên cứu sử ký về triều Nguyễn.
Đánh giá
There are no reviews yet