Mô tả
ANH HÙNG ĐÔNG A GƯƠM THIÊNG HÀM TỬ
Đôi lời với quý độc giả
Quý vị đang cầm trên tay bộ : Anh hùng Đông a, gươm thiêng Hàm tử (GTHT)
Đây là bộ lịch sử tiểu thuyết thuật cuộc bình Mông của tộc Việt lần thứ 2 và 3 vào thế kỷ thứ 13.
Trong chữ Hán, chữ Đông với chữ a thành chữ Trần. Cho nên các văn gia trong lịch sử Việt Nam, gọi triều Trần là triều Đông a.
Khi thuật chiến công của các anh hùng triều Trần, trong việc bình Mông, tôi đặt tên là : Anh hùng Đông a.
Tôi chia Anh hùng Đông a làm hai giai đoạn :
– Giai đoạn 1, mang tên : Anh hùng Đông a, dựng cờ bình Mông(DCBM)
Thuật cuộc xâm lăng Đại việt của Mông cổ lần thứ nhất.
– Giai đoạn 2 mang tên : Anh hùng Đông a, gươm thiêng Hàm tử (GTHT)
Thuật cuộc xâm lăng Đại việt của Mông cổ lần thứ 2, và 3.
Anh hùng Đông a, dựng cờ bình Mông, gồm 50 hồi, chia làm 5 tập, mỗi tập khoảng trên dưới 500 trang. Tổng cộng 2566 trang. Nội dung thuật cuộc bình Mông lần thứ nhất. Khởi đầu từ năm 1150 ; khi vua Lý Anh Tông lên ngôi vua, Cảm Thánh thái hậu nhiếp chính. Bà để cho tình nhân là Đỗ Anh Vũ nắm quyền. Trong nước rối loạn. Bao nhiêu kỷ cương bị xóa bỏ. Cuối cùng các anh hùng phải làm cái truyện xóa bỏ triều Lý lập ra triều Trần.
Năm 1257, Mông cổ mang 10 vạn kị binh, 10 vạn hàng binh Đại lý sang đánh Đại việt, bị thất bại.
Bộ sách này do Đại nam Hoa kỳ xuất bản năm 1999. Do nhà xuất bản Trẻ, tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2003.
Năm 1999, khi xuất bản bộ Anh hùng Đông a, dựng cờ bình Mông, tôi hứa rằng sẽ cho ra đời giai đoạn 2 của cuộc bình Mông 3 năm sau. Nhưng nghề sinh nhai lối dọc đường ngang không cho tôi giữ đúng lời hứa.
Nguyên do :
Khi tiền nhân đặt chương trình viết lịch sử tiểu thuyết (LSTT) cho tôi đã căn dặn hai điều :
Một là : Khi viết là phải khai chiến với không biết bao nhiêu ma quỷ bị giết khi chúng xâm lăng VN. Lại phải khai chiến với Ma-sống, Quỷ-sống chúng đã, đang muốn bán nước (mà không có nước để bán). Vì vậy cần chế chỉ tâm thần.
Hai là :Hết sức tránh không thể để bị lạc lối. Muốn viết gì, làm gì, cũng phải chờ khi hoàn tất chương trình viết LSTT đã.
Vì vậy trong thời gian viết bất cứ bộ LSTT nào, tôi cũng tự giam mình trong hào quang Liệt-tổ Đai-Việt. Cứ sau khi một bộ ra đời, thì tôi lại nghỉ 6 tháng.
Theo đúng chương trình, thì cuối năm 2002, tôi cho xuất bản bộ Anh-hùng Đông-a Gươm thiêng Hàm-tử (GTHT), tiếp theo bộ Anh hùng Đông A dựng cờ bình Mông (DCBM). Trong bộ thứ hai này, tôi dùng hành trạng của Trấn bắc đại-tướng quân Hoài-văn vương Trần Quốc Toản làm chủ động. Hay nói giản dị hơn, là thỉnh ngài làm nhân vật chính. Nhưng khi mọi sự chuẩn bị, thì một du học sinh tại Trung-quốc gửi cho tôi mấy trang gia phả của một dòng họ Trần bên Trung-quốc, cùng hình ngôi mộ. Gia phả, cũng như mộ chí thuật rằng : sau khi thắng Mông-cổ lần thứ ba, Hoài Văn vương theo vương phi nguyên là công-chúa Tống về Trung-quốc kháng chiến chống Mông-cổ. Vì vậy tôi ngừng lại. Năm 2002 tôi sang Trung-quốc tìm hiểu chi tiết này. Nên nội dung bộ bộ GTHT phải sửa lại toàn bộ.
Nhưng rồi những biến cố dồn dập tới khiến cho bộ GTHT bị chậm trễ.
Kể từ năm 1977 là năm tôi bắt đầu dạy học, tôi cố gắng chế chỉ tâm thần, không cho in, không cho xuất bản những bài giảng của tôi về vấn đề Vu sơn học ( Sexology). Vì tôi không viết về Y thì có hằng nghìn người viết. Nhưng năm 2000, do yêu cầu của Viện Pháp á (IFA = Institut Franco Asiatique) và Hội nghiên cứu y học Á châu (ARMA= Association pour la recherche de la Médecine asiatique), tôi phải biên tập tất cả những bài giảng về Sexology, cho xuất bản (làm sách giáo khoa). Do vậy việc viết LSTT của tôi phải tạm ngừng. Bộ Giảng Huấn Tình Dục Bằng Y Học Trung-quốc (The Chinese medical Sexology), đã do tvvn.com, California, USA, xb 2002, gồm 3 quyển. Tổng số trang nếu là khổ tiểu thuyết lên tới 2500 ! Tôi bị bắt buộc phải đi lạc hướng ! Tiếp tục, tôi phải biên tập xuất bản bộ Giảng huấn tình dục nữ bằng y học Trung quốc (The Chinese medical Sexology for Womens) cũng khoảng 2500 trang năm 2004 mới xong.
Đã hết đâu, cũng năm 2004, ARMA, IFA yêu cầu tôi tập hợp những bài giảng về Khí-công, Tiểu đường, Phong thấp để xb. Thế là tôi phải mất 3 năm biên tập ba bộ Dịch cân kinh,. Tiểu đường, Phong thấp. Bộ Dịch cân kinh do nhà Đại-Nam, CA, USA xb (2004) khoảng 390 trang. Nội dung gồm :
– Dịch Cân Kinh,
– Thập thức bảo kiện pháp,
– Đào hoa trường xuân pháp,
– Liên hoa pháp,
– Tổng giải về Khí-công.
Hai bộ Tiểu đường, Phong thấp do ARMA xb. Thế là tôi mất 5 năm 2001,2002, 2003, 2004,2005! Đây là thời gian sung sức, minh mẫn nhất trong đời. Tôi bị bắt buộc đi lạc hướng.
Đã vậy, tôi lại tự đi lạc hướng, tiếp xúc với báo chí, truyền thanh, truyền hình, Internet, mất rất nhiều thời giờ.
Không biết do liệt tổ Đại-Việt linh thiêng, hay ông cha trợ giúp, mà một người thân của tôi, thân lắm lắm tuy ngàn trùng cách biệt, mà đã E-Mail cho tôi đến 5 lần, yêu cầu tôi ngừng hết, để trở về với con đường đang đi: LSTT.
Thế là năm 2006 tôi trở lại với bộ Anh hùng Đông a Gươm thiêng Hàm tưû (GTHT). Bộ này nối tiếp bộ AHĐA DCBM gồm 61 hồi, chia làm 6 tập, mỗi tập trên dưới 500 trang; bắt đầu từ hồi 51, đến hồi 111. Đến nay, tháng 12- 2009 mới xong, hơn 3185 trang.
Nội dung bộ Gươm thiêng Hàm tử thuật lại hai cuộc xâm lăng Đại việt lần thứ nhì, thứ ba của Mông cổ, mỗi lần 50 vạn quân. Bị đánh tan. Cái hài hước là vị trừ quân Nguyên, Tổng tư lệnh lực lượng xâm lăng phải chui vào ống đồng trốn chạy để tránh bị ném đá, bị bắn tên chết. Suốt trong chiều dài lịch sử 5 nghìn năm của Trung quốc, chưa bao giờ một tướng Tư lệnh bị nhục như vậy. Tại Việt Nam, 724 năm qua, khi tuổi trẻ tộc Việt đọc sử, hoặc nghe giảng đến truyện này đều cười lăn, cười lộn.
Thời gian của bộ GTHT từ năm 1257 đến năm 1289, trong khoảng 32 năm. Trong 32 năm đó, ngoài chiến công lừng lẫy, văn hóa Đại việt nở rộ ra bốn kho tàng:
– Chữ Nôm,
– Hát Xẩm,
– Hát chèo,
– Điệu múa Bài bông.
Về chữ nôm, tôi có đủ tài liệu, đủ kiến thức thuật. Nhưng ba bộ môn văn nghệ kia, tôi chỉ biết nguồn gốc, cơ cấu hình thành. Còn điệu ca, các thể loại thì mù tịt. Tôi đành trở về Hà nội tìm kiếm. Tôi đến Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt nam, bấy giờ trụ sở tại 75 hàng Bồ, quận Hoàn kiếm, Hà nội. Tháng 4-2008 trung tâm dời đến đình Hào nam, địa chỉ 32/32, Hào nam, quận Đống đa. May mắn tôi gặp nghệ sĩ ưu tú Thanh Ngoan, một nghệ sĩ đa tài, sắc nước hương trời, yêu nghệ thuật hơn yêu chồng, yêu con. Nếu nói ngoa một chút thì cô yêu nghệ thuật hơn yêu chính mình. Thanh Ngoan là cuốn tự điển về âm nhạc VN. Tôi hỏi gì Thanh Ngoan giảng như mưa tuôn, như thác chảy.
Khi tôi hỏi câu:
– Hát Xẩm gồm có những thể loại thơ văn nào?
Thanh Ngoan trả lời:
– Bất cứ thể loại thơ văn nào, bất cứ điệu ca nào cũng có thể biến ra hát Xẩm được cả.
Nói rồi Thanh Ngoan cất tiếng hát một bài theo thể lục bát, tiếp theo các thể song thất lục bát, hát nói (ca trù), chầu văn. Chỉ cần ba buổi làm việc với Thanh Ngoan, tôi đã có cái vốn hiểu biết rất chính xác về ba loại nghệ thuật trên để viết sách. Vậy tôi xin ghi ở đây lòng tri ơn với Thanh Ngoan và tình cảm chân thành với nghệ sĩ Thúy Ngần, Thu Yên, Thu Phương; nhạc sĩ Thao Giang.
Nội dung bộ GTHT chia làm 2 giai đoạn rõ rệt :
Giai đoạn đầu (1257-1280)
Các nhân vật chính là :
Vũ Uy vương Trần Nhật Duy và vương phi Trần Ý Ninh. Vũ Uy vương trong ĐVSKTT, VSL có chép, song rất ngắn, rất ít. Nhưng trong sử Trung quốc, sử Mông cổ, gia phả chép rất nhiều. Vương phi Trần Ý Ninh thì trong sử Việt không thấy chép, nhưng trong các gia phả, trong các cuốn phổ thì chép nhiều hơn vương. Nhiều vô cùng.
Vương là con trưởng của vua Trần Thái tông và Tuyên phi Mai Đông Hoa. Nhưng vì Tuyên phi xuất thân là ca kĩ, nên dù vương là người tài trí bậc nhất trong 8 anh em, công lao với xã tắc cao ngất trời nhưng không được lập làm Thái tử. Mà ngôi Thái tử truyền cho em thứ 3 của vương là Hoảng, sau là vua Trần Thánh tông.
Nguyên do : theo lẽ chính thông của nho gia. Vua Trần Thái tông được truyền ngôi vì là phò mã của vua Lý Huệ tông, thì vua Trần Thái tông phải truyền cho cháu ngoại của vua Huệ tông là hoàng tử Hoảng, con của công chúa Thuận Thiên.
– Thời Nguyên phong (1257), trong lần bình Mông thứ nhất, vương là Tổng trấn Bắc cương, đã đánh Ngột Lương Hợp Thai những trận kinh thiên động địa tại Thảo lâm, Bình lệ Nguyên, Phù lỗ, Cụ bản.
– Vương là người nhã lượng cao trí, khuất thân cầu hiền, nên nhân tài trong nước tụ về trong vương phủ của vương rất nhiều. Sau trận giặc năm 1257, vua Thái tông muốn nhường ngôi cho thái tử Hoảng, để làm Thái thượng hoàng. Nhưng vì sau trận giặc 1257, uy tínVũ Uy vương lên cực cao, vương nắm binh quyền trong tay, văn võ quan đều hướng về vương. Bấy giờ Mông cổ đòi triều đình Việt phải nhận 6 điều :
-
Một là đích thân quốc vương phải vào chầu,
-
Hai là đem trưởng nam làm con tin,
-
Ba là kê biên dân số,
-
Bốn là phải chịu quân dịch,
-
Năm là phải nộp thuế, lương thảo.
-
Sáu là nhận Đạt lỗ hoa xích (Đa gu ra tri) .
Vua Thái tông mượn cớ đó sai vương đi sứ Mông cổ, làm con tin. Vì vương là con trưởng, để có thể truyền ngôi cho thái tử Hoảng mà không sợ vương đem quân về làm chính biến; như Đường Thái tông đã giết anh là thái tử Kiến Thành, em là Nguyên Cát.Như các con vua Lê Đại Hành, các con vua Lý Thái tổ.
Trong sứ đoàn vương đem theo 5 nhân vật lừng danh lịch sử: Thiên trường ngũ ưng là :
– Dã Tượng Trần Quốc Kinh,
– Yết Kiêu Trần Quốc Vỹ.
– Nguyễn Đại Hành,
– Cao Mang,
– Nguyễn Địa Lô.
Thêm 7 giai nhân sắc nước hương trời, được danh sĩ Long thành tặng danh hiệu Tô lịch thất tiên, đó là 7 nhân vật trong tôn giáo, gia phả, huyền sử :
Hoàng Hoa, khuê danh Lê Thị Phương Dung, sau là thứ phi của Ngột Lương Hợp Thai.
Bạch Hoa, khuê danh Đặng Thị Anh. Sau là Tuyên phi của Hốt Tất Liệt.
Huyền Hoa, khuê danh Vương Hoài Linh. Sau là Nguyên phi của vua Mông cổ là A Lý Bất Ca
Thanh Hoa, khuê danh Tô Kim Huệ. Sau là Tuyên phi của đại hãn Mông Ca.
Hồng Hoa, khuê danh Vũ Nguyệt Hương.Sau là hoàng hậu của Bắc Liêu vương Tháp Sát Nhi.
Tử Hoa khuê danh Cao Đại Nhu. Sau là vương phi của Cáp Thiết Sáp Nhi.
Lan Hoa, khuê danh Cao Thiếu Nhu. Sau là thái tử phi của Ngọc Mộc Hốt Nhi.
Đó là 7 kĩ nữ, từ chỗ xấu xa cùng cực, đem thân cho thiên hạ mua cười; biết dùng nhan sắc, dùng tài ca hát giúp nước, làm rung động giang sơn Đại Việt, Mông cổ, Tống, Liêu, Kim, Đại lý. Đúng công trạng, các bà phải được phong là Quốc mẫu. Nhưng đời Trần, tước Quốc mẫu chỉ được phong 1 lần, cho 1 người là bà Trần Kim Dung, hoàng hậu của vua Lý Huệ tôn, sinh mẫu của vua Lý Chiêu Hoàng, cuối cùng là vợ của Thái sư Trần Thủ Độ.
Vì vậy 7 bà được triều đình phong tước Thánh mẫu. Khi thác, các bà rất linh thiêng, thường nhập đồng, nên trong tôn giáo, kính trọng 7 bà thường gọi là Đông a Thất vị thánh mẫu.
Ngoài ra, vương còn mang theo 5 nhân vật trong văn nghệ, trong huyền sử, trong tôn giáo, trong gia phả là Đông hoa ngũ tiên:
Hồng Nga, khuê danh Phạm Thúy Hồng. Sau là vương phi của A Truật, 1 trong các khai quốc công thần của Nguyên.
Thúy Hồng, khuê danh Lý Thúy Hồng. Sau là phu nhân của Dã Tượng. Về già ngộ đao đi tu, đắc quả Bồ tát. Ngài là một tổ Mật tông Đại việt.
Thúy Nga, khuê danh Hà Thị Thúy. Sau là vương phi của thân vương A Lan Đáp Nhi, tể tướng Mông cổ.
Thanh Nga, khuê danh Nguyễn Thị Thanh Nga. Sau là vương phi của Trung nghĩa vương Đại Việt.
Thúy Trang, khuê danh Cao Thúy Trang. Sau là hoàng hậu Nãi man. Một đại quốc đối kháng với Nguyên.
– Với tài trí, với nhã lượng, ôn nhu, biết xử dụng Thiên trường ngũ ưng, Tô lịch thất tiên, Đông hoa ngũ tiên ; trong khi đi sứ Vũ Uy vương đã kết thân với anh hùng Đại lý, Thổ phồn, Sơn đông Trung quốc, Cao ly, Hồi Cương thành lập thế Quần lang chiến hổ. Chống lại Mông cổ.
– Vương dùng tài trí giúp Tống chống Mông cổ, ép Tống trả lại 3 châu Khâu bắc, Chiêu dương, Văn sơn bị Trung quốc chiếm từ thời Lĩnh nam (44 sau Tây lịch), mà Tống đang dung dưỡng cho bọn Thổ phỉ Thân Long cai trị như một nước riêng. Ba châu này nằm giữa Đại lý, Tống và Đại Việt.
– Vương tổ chức, dùng mỹ nhân kế, gây chia rẽ giữa vua Mông cổ là Mông ca với em ruột là thân vương Hốt Tất Liệt. Bấy giờ Hốt Tất Liệt đang nắm quân nghiêng nước đánh Tống. Với tài trí của Hốt Tất Liệt thì việc diệt Tống chỉ trong một hai năm. Diệt Tống xong Hốt Tất Liệt sẽ đánh Đại Việt. Kết quả Mông Ca thu binh quyền của Hốt Tất Liệt. Các cánh quân đánh Tống, tạm ngừng. Uy tín Vũ Uy vương trấn động Hoa, Việt, Cao ly, Hồi cương, Đại ly, Thổ phồn.
– Hốt Tất Liệt bị thu binh quyền, Mông ca thân chinh đánh Tống. Tống lâm nguy cầu cứu với Đại Việt. Bấy giờ vua Thái tông đã nhường ngôi cho vua Thánh tông. Vua Thánh tông chưa nắm được triều đình. Vua Thái tông lên làm Thái thượng hoàng, nhưng vẫn nắm quyền. Sợ Vũ Uy vương có thể cướp ngôi vua của em. Vua Thái tông sai vương đem quân trợ Tống. Mục đích cho vua Thánh tông nắm được binh quyền, nắm được nền cai trị. Vũ uy vương, vương phi đem theo Thiên trường ngũ ưng, Tô lịch thất tiên, Đông hoa ngũ tiên, với 5 vạn quân trợ Tống. Vương đánh các trận kinh thiên động địa là Thành đô, Điếu ngư, Ô Giang, Trường thảo, giết chết Đại hãn Mông cổ là Mông Ca. Gây ra cuộc chiến tranh tương tàn giữa anh em Hốt Tất Liệt, A Lý Bất Ca.
Tuy mặt trận Tứ xuyên, Mông Ca tử trận, nhưng mặt trận Tương dương, Phàn thành, Hốt Tất Liệt đã vượt Trường giang, chiếm 11 châu, 41 thành của Tống. Hốt Tất Liệt vội ký hòa ước với Tống, chịu trả 11 châu, 41 thành, lập ra triều Nguyên để quay về chính quốc tranh ngôi vua với A Lý Bất Ca.
Vũ Uy vương lợi dụng dịp này khích động các lãnh tụ chư hầu Mông cổ tách ra làm 5 nước đối kháng với Nguyên :
– Nãi man,
– Sơn đông,
– Bắc liêu,
– Kim trướng,
– Mông cổ.
Sau khi chiến thắng, Tống phong cho Vũ Uy vương tước Hành sơn vương. Lãnh thổ gồm các vùng phía nam Trường giang như Trường sa, Hồ nam, Quý châu, Quảng đông, Quảng tây. Nghĩa là trọn vẹn phần lãnh thổ của tộc Việt thời cổ bị Trung quốc chiếm từ thời Tần Thủy hoàng, thời Hán, Đường.
Cuộc nội chiến Mông cổ cực kỳ khốc liệt. Cuối cùng Hốt Tất Liệt thắng A Lý Bất Ca, quân lực Mông cổ bị kiệt quệ. Nhờ vậy mà Tống được yên trong hơn 20 năm. Đaị Việt không sợ cái họa Mông cổ nữa.Vìø cuộc nội chiến, tinh lực Mông cổ bị tan nát. Thế hệ thanh niên từ 18 đến 40 gần như chết hết.
Giai đoạn hai (1281-1289)
Sau 20 năm yên ổn, với thiên tài của Hốt Tất Liệt, tinh lực vùng Thảo nguyên phục hồi. Hốt Tất Liệt huấn luyện lớp thanh niên mới từ 18 tới 30 tuổi, tạo thành những đội binh thiện chiến như thời Thành Cát Tư Hãn. Ông ta cũng huấn luyện thanh niên Trung quốc vùng Hoa bắc, vùng Tứ xuyên, lập những đội kị binh như Mông cổ. Ông ta xua binh vượt Trường giang đánh Tống. Nhờ biết dùng Hán pháp cai trị Trung quốc, tổ chức triều chính, dùng quan lại Trung quốc. Nên dân Hán không coi Hốt Tất Liệt là Hung nô, là Thát đát. Ông ta hết sức chiêu mộ, trọng đãi nho sĩ, nhân tài Hán, nên đánh đến đâu, quan, quân Tống đầu hàng đến đó. Nguyên thắng Tống như chẻ tre. Cuối cùng triều đình Tống bị phục kích ở Nhai sơn. Đế Bính cùng thái hậu, hậu cung, triều đình cùng đường nhảy xuống biển chết đến 20 vạn người.
Trong khi đó vùng trấn nhậm Kinh hồ của Vũ Uy vương, Nguyên không dám đánh, mà gửi sứ chiêu hàng. Vũ Uy vương hỏi ý kiến triều đình Việt. Thượng hoàng Thánh tông trả lời :
« Vương làm vua vùng Kinh hồ cho Tống, mà Tống không còn nữa. Vậy vương hãy xem ý dân vùng Kinh hồ, nếu họ còn tưởng nhớ đến Tống triều, thì vương suất lĩnh quân dân chống giặc. Còn như họ không còn nhớ đến Tống nữa thì có chống cũng vô ích. Chỉ gây ra vạ núi xương, sông máu mà thôi ».
Sau khi Vũ Uy vương tham khảo ý kiến các tướng lĩnh, các quan Kinh lược sứ, quận huyện Tống, họ đều muốn hàng. Vương trao đất cho Nguyên, rồi lên đường về Đại đô làm con tin cho Đại Việt. Hốt Tất Liệt kính trọng tài năng của vương, phong cho vương chức Tổng trấn miền Tây Mông cổ gồm các nước Tây hạ, Hoa Thích Tử Mô, Afganistan, Iran, Irak ngày nay.
Khi Vũ Uy vương rời Kinh hồ thì là lúc Hốt Tất Liệt sai Toa Đô đem quân sang đánh Chiêm. Triều đình Đại Việt biết âm mưu của Nguyên là đánh Chiêm, để chuẩn bị một mũi dùi đánh vào nam Đại việt. Nên quyết định gửi 5 vạn binh, 500 chiến thuyền viện Chiêm ; cử Hưng Nhượng vương làm tư lệnh mặt trận viện Chiêm.
Thời gian này, Vũ Uy vương sinh một thế tử đặt tên là Trần Quốc Toản. Theo hội điển sự lệ triều Trần, khi một thế tử con tước vương sinh ra thì được phong tước hầu. Triều đình phong cho Quốc Toản tước Hoài Văn hầu, ấp phong là Hàm tử, dù Quốc Toản còn bế ngửa ở Trường sa. Thượng hoàng ban cho Quốc Toản một thanh kiếm. Vương, vương phi lên đường sang Nguyên, thì Quốc Toản đã 11 tuổi. Phi gửi Quốc Toản về nước cho bà nội là Tuyên cao thái phi Mai Đông Hoa nuôi.
Những giai nhân Vũ Uy vương cống cho Nguyên, được sủng ái như Bạch Liên là sủng phi của Hốt Tất Liệt, Hồng Nga là sủng phi của A Truật đã khám phá ra có 2 thân vương Đại Việt âm thầm làm gian tế cho Nguyên, mong được Nguyên phong cho tước An Nam quốc vương. Nhưng Hốt Tất Liệt hết sức giữ kín, y đánh dấu vào hồ sơ hai tên gian vương này bằng dấu hiệu hình vuông và tròn. Vũ Uy vương đã phúc trình về Đại Việt. Nhưng trong họ Đông a có đến hơn trăm tước vương. Triều đình đành im lặng để giữ tình đoàn kết trong họ. May thay một giai nhân trộm được một bức thư của gian vương gửi cho Nguyên. Vương phi Ý Ninh lấy bức thư đó nhét vào chuôi kiếm của Quốc Toản, rồi dặn con : khi về nước, yết kiến Thượng hoàng, thì lấy bức thư dấu ở chuôi kiếm ra trình, Thượng hoàng căn cứ bào bút tự, tìm ra một gian vương.
Khi Quốc Toản về tới Tiên yên thì bị gian nhân bắt cóc, đó là bọn Trần Di Aùi, Trần Tú Hoãn, Trần Văn Lộng, Trần Quang Kiện. Chúng khám trong hành lý tìm bức thư chứng cớ, nhưng không thấy. Chúng phao rằng Tế tác (gián điệp) Nguyên bắt cóc Quốc Toản, giết chết, rồi cho một thiếu niên giả Quốc Toản. Chúng giam Quốc Toản vào một cái giếng cạn, rất sâu, rất rộng, thông với một hầm đá. Không ngờ hầm đá đó là nơi cuối đời bồ tát Minh Không nhập diệt. Hầu tìm được các thẻ đồng chép bộ Lĩnh Nam vũ kinh, bảo quốc trấn bắc, bình nam của bồ tát Minh Không.Hầu luyện thành bản lĩnh vô địch. Trong khu rừng chỗ giếng khô bọn gian còn giam một con vượn. Con vượn này trước đây bồ tát Minh Không nuôi nó, dậy Thiền cho nó, nên công lực nó rất cao.
Có bản lĩnh nghiêng trời lệch đất, Quốc Toản thoát khỏi giếng khô, thì gặp một thiếu niên, đó là Hoài Nhân vương Trần Quốc Kiện, con của vua Trần Thánh tông. Vương cũng là nạn nhân của bọn Trần Di Aùi, Trần Quang Kiện, Trần Văn Lộng, Trần Tù Hoãn. Vương được phụ hoàng Thánh tông trao cho bọn này dạy dỗ. Nhưng chúng không dậy gì cho vương, mà cáo với vua rằng vương không học văn, luyện võ, lười biếng. Thế là Quốc Toản dạy võ cho Hoài Nhân vương. Anh em vô tình khám phá ra Trần Di Aùi chính là gian vương Tròn. Đó là lý do y cùng các con bắt giam Quốc Toản, để có thể làm áp lực với Vũ Uy vương.
Hai anh em về Thăng long, đúng lúc triều đình cử Trần Di Aùi đi sứ Nguyên, thay vua sang chầu Hốt Tất Liệt. Anh em tố cáo âm mưu của cha con Trần Di Aùi với Thượng hoàng. Nhưng bấy giờ sứ đoàn đã sang tới lãnh thổ Nguyên.
Quốc Toản nhận ấp phong Hàm tử. Hầu được Trung Thành vương huấn luyện thanh niên nam nữ, tổ chức thành hiệu binh Hàm tử.
Thượng hoàng sai Quốc Kiện, Quốc Toản làm Khâm sứ viện Chiêm. Trên đường đi, hai người trợ giúp một thiếu nữ bị Tuyên phủ ty Nguyên đuổi bắt. Đó là công chúa Câu-thi Lị-ha-thân Bài-ma-la (Sri Harivarman) Nang Tiên. Nang Tiên cảm động, thế là trai tài, gái sắc gặp nhau. Nang Tiên với Hoài Nhân vương kết thành tình thanh mai, trúc mã (sau này thành vợ chồng).
Quốc Toản, Quốc Kiên, Nang Tiên phối hợp liên quân Việt Chiêm, đánh tan các đội quân Nguyên tại Chiêm. Hai vị trở về Thăng long, giữa lúc triều đình được tin Nguyên phong cho Trần Di Aùi làm An Nam quốc vương, sai Sài Thung hộ tống về nước. Triều đình quyết định cử Quốc Toản, Quốc Kiện đem quân đi đánh Sài Thung, bắt Trần Di Aùi. Trong buổi triều hội này xưởng chế vũ khí, đúc 2 thanh kiếm rất sắc bén. Thượng hoàng đặt cho thanh lớn là Trấn bắc, thanh nhỏ là Bình nam. Ngài treo thanh Trấn bắc tại cửa bắc thành Thăng long, treo thanh Bình nam ở của nam thành Thăng long, và ban chỉ :
– Bất cứ thân vương, hầu, tướng sĩ nào đi qua cửa, mà kiếm dao động, sẽ được ban cho thanh kiếm đó.
Quốc Toản qua cửa bắc thanh kiếm rung động, nên hầu được ban kiếm, phong chức Trấn bắc đại tướng quân. Phạm Ngũ Lão qua cửa nam thanh kiếm rung động, được ban kiếm phong chức Bình nam đại tướng quân.
Quốc Toản, Quốc Kiện chỉ huy lực lượng Cần vương Tống bắn mù mắt Sài Thung, diệt trọn vẹn một thiên phu kị binh Mông cổ, bắt sống Trần Di Ái và bọn Lê Tuân, Lê Mục. Hốt Tất Liệt nổi giận, lập An Nam chinh thảo hành tỉnh (Bộ tư lệnh quân đội đánh An Nam) sai hoàng tử thứ chín là Thoát Hoan, thuộc loại người văn mô vũ lược, đem 50 vạn quân sang đánh Đại việt bằng ba mũi : thứ nhất tràn từ bắc sang. Thứ nhì do Vân Nam vương tiến theo đường phía tây. Toa Đô đánh từ Chiêm thành vào phía nam (1285).
Quốc Toản, Quốc Kiện chiến thắng trở về, giữa lúc triều đình họp đại hội Bình than, nghị kế chống giặc. Hai người bị Chiêu Quốc vương Trần Ich Tắc không cho dự. Quốc Toản giận quá, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không hay. Hầu trở về kéo hiệu binh riêng tên Hàm tử, trên cờ viết 6 chữ Phá cường địch, báo hoàng ân.
Tiếp theo đại hội Bình than, theo đề nghị của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, triều đình tổ chức đại hội mời các bô lão về điện Diên hồng dự yến để hỏi ý kiến xem nên chịu nhục, khuất phục, mở cửa cho quân Nguyên vào nước, chịu 6 điều do Nguyên đưa ra hay chống giặc. Tất cả các bô lão đều bầy tỏ ý kiến : chiến. Thế là sau đại hội, các bô lão trở về xuất lĩnh dân chúng : nam nữ, già trẻ quyết tâm giữ làng chống giặc. Triều đình cử người về từng thôn, từng ấp, huấn luyện dân chúng thành Nghĩa dũng binh chống giặc, tổ chức mỗi làng thành một đồn lũy, phòng giặc. Đó là lý do quân Nguyên tuy đông, nhưng khi đánh chiếm được vùng nào, sau khi đi qua, vùng đó lại vẫn thuộc về triều đình.
Thế rồi quân Nguyên ba mặt tấn công Đại việt. Quân Việt theo sách lược của Hưng Đạo vương chỉ chống cự qua loa, rồi ẩn vào dân chúng, chờ cho giặc vào sâu trong nước, trải quân rộng rồi phản công. Không ngờ Chiêu Quốc vương Trần Ich Tắc, tổng trấn Thăng long, Quản khu mật viện hàng giặc, nảy ra vương chính là gian vương Vuông. Vương cung cấp tất cả kế hoạch phòng thủ Đại việt cho giặc, vì vậy những căn cứ phòng vệ chính đều bị Nguyên chiếm.
Thoát Hoan chiếm Thăng long, tự cho rằng đã bình định được Đại việt. Y sai đúc một ống đồng, bắt chước Mã Viện trồng cột đồng trụ. Trên ống đồng khắc một bài minh ghi chiến công của mình. Giữa lúc y hân hoan sai chở ống đồng ra hồ Tây dựng lên thì quân Việt phản công. Y phải chui vào ống đồng bỏ chạy.
Trong khi đó Toa Đô, Ô Mã Nhi từ Thanh hóa theo đường biển tiến dọc sông Hồng, định bắt tay với lực lượng của Thoát Hoan. Y không biết Thoát Hoan chạy trốn rồi. Khi đạo binh của y tới Hàm tử thì bị Hoài Văn hầu đánh tan, chém đầu.
Thoát Hoan bị thua nhục nhã, Hốt Tất Liệt nhất định dốc quân nghiêng nước sang đánh trả thù (1287)ø. Cũng 50 vạn quân thủy, bộ, kị kéo qua. Lần này không còn đạo binh đánh vào Nam thùy nữa, mà thay vào đó với một lực lượng thủy quân hùng hậu. Nhưng Hốt Tất Liệt phạm vào một lỗi lầm quan trọng, khi không chú ý đến thủy quân Đại việt :
Thủy quân Việt dùng tới 4 loại thuyền khác nhau :
– Đại chu là loại lớn có thể chở được từ 300 đến 500 quân. Dùng để chuyển quân, chuyên chở lương thảo.
– Trung chu, có thể chở được từ 100 đến 200 quân, dùng để tác chiến trên sông lớn, trên biển.
– Tiểu chu là loại có thể chở từ 20 đến 100 quân, dùng để tác chiến trên tất cả sông lớn, sông nhỏ.
– Thần tốc chu, là loại nhỏ nhất, chở được từ 4 người đến 15 người. Loại này là lực lượng chủ yếu tác chiến trên sông, di chuyển cực nhanh. Đây là loại thuyền gây thiệt hại cho Nguyên nhiều nhất.
Lần trước đạo binh Vân nam chỉ là một cánh quân yếu. Lần này đạo binh Vân nam cực kỳ hùng hậu.
Hốt Tất Liệt chú ý đến bọn phản quốc Trần Ich Tắc. Y gọi chúng về Đại đô, làm lễ tấn phong cho Ích Tắc lĩnh An Nam quốc vương. Con Ích Tắc được phong hầu. Lại phong chức tước cho bọn Trần Văn Lộng, Trần Tú Hoãn. Rồi sai chung theo Thoát Hoan về nước.
Cũng như lần trước khi quân Nguyên vào sâu trong nước, bị muỗi đốt, bị lam chướng, quân Việt phản công. Các đường tiếp tế lương thực bị chặn đánh. Đoàn thuyền chở lương bị nhận chìm ở Vân đồn.
Tuyệt vọng, Thoát Hoan đành ra lệnh lui binh. Tất cả các cánh quân, trên đường rút về, bị quân Việt phục kích, chết, bị bắt không biết bao nhiêu mà kể.
Cánh rút theo đường thủy bị chặn đánh tại sông Bạch đằng. Toàn bộ chu sư bị bắt, bị đánh chìm. Ô Mã Nhi, Phàn tiếp bị bắt sống.
Thoát Hoan bại binh trở về, bị Hốt Tất Liệt đuổi ra Dương châu, suốt đời không nhìn mặt, không cho về triều.
Hốt Tất Liệt chuẩn bị báo thù, xâm lăng lần thứ 4. Nhưng chưa kịp ra quân thì băng hà. Thế là một hoàng đế vĩ đại nhất Trung quốc, ba lần mang quân nghiêng nước, đánh một nước Đại Việt nhỏ bé, bị thảm bại. Đại đế tức mà chết, chết rồi còn tức.
Bây giờ xin Quý độc giả cùng tôi ngước mắt nhìn về 7 trăm năm trước xem các vị Anh hùng Đông a, giết giặc Nguyên như thế nào, để tự hào là con cháu các ngài.
Paris ngày 31 tháng 12 năm 2009
Nhằm ngày 16 tháng 11 năm Kỳ sửu.
Đánh giá
There are no reviews yet