Mô tả
Đại Bát Niết Bàn Kinh Trực Chỉ Đề Cương
ĐẠI BÁT NIẾT BÀN là một thuật ngữ, Phạn ngữ gọi MA HA BÁT NIẾT BÀN NA (Mahaparinirvana). Các nhà Phật học tiền bối dịch có nhiều nghĩa:
Đại nhập diệt tức
Đại diệt độ
Đại viên tịch nhập
Từ ngữ để diễn đạt về MA HA BÁT NIẾT BÀN NA thì có khác như thế, nhưng ý nghĩa thì không có gì chống trái mà cùng gặp nhau ở điểm:
Niết bàn là cảnh giới sở chứng ở nội tâm của con người dứt hết phiền não, dứt hết sinh tử, viễn ly các tướng, viễn ly các hành, an trú tâm thanh tịnh, vắng lặng và vắng lặng một cách trọn vẹn, tận cùng trọn vẹn. ĐẠI NHẬP DIỆT TỨC hay DIỆT ĐỘ, chúng ta có thể khái niệm nhận thức như thế, thiết tưởng tạm đủ mà không cần thiết sử dụng ngôn ngữ quá dài dòng.
ĐẠI VIÊN TỊCH NHẬP có nghĩa: NIẾT BÀN là cảnh giới sở nhập của con người tu hành hằng sống. Con người có Niết bàn, “nhập” được Niết bàn, nhìn dáng vẻ và nếp sống bên ngoài thì ai cũng tưởng họ là một người bình thường như những người bình thường khác. Sự thực, đời sống của con người được ĐẠI VIÊN TỊCH này, vô lượng công đức lành họ đều thành tựu viên mãn. Thân, khẩu, ý, nghiệp của họ hoàn toàn thánh thiện, không có biểu hiện sai trái lỗi lầm. Đó là ý nghĩa của chữ VIÊN. Người bình thường, luôn sống trong ưu tư sầu muộn, phiền não nung nấu, sôi sục trào dâng, đau khổ suốt tháng quanh năm không có được một phút giây an ổn. Trái lại, người nhập NIẾT BÀN là người luôn luôn an trú trong vắng lặng, trong an ổn thảnh thơi, không một niệm khổ tâm hay một gợn phiền não dấy động trong CHƠN TÂM THƯỜNG TRÚ vốn thanh tịnh, vốn tịch diệt viên mãn của chính mình.
Nói tóm lại, vô lượng công đức lành nào cũng viên mãn. Vô lượng phiền não ưu bi nào cũng vắng lặng. Đó là ý nghĩa của ĐẠI VIÊN TỊCH NHẬP.
ĐẠI BÁT NIẾT BÀN NA là một, nhưng kinh nói về ĐẠI BÁT NIẾT BÀN NA thì tên gọi có nhiều:
Đời Bắc Lương, Pháp sư Đàm Vô Sấm dịch, nhan đề ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH, 41 quyển.
Đời Tấn, Pháp Sư Pháp Hiển dịch, nhan đề: PHẬT NÊ HOÀN KINH, 2 quyển.
Đời Đường, Pháp Sư Nhã Na Bạt Đà La dịch, nhan đề: ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH HẬU PHẦN, 2 quyển
Đời Tùy, Pháp Sư Quán Đảnh dịch, nhan đề: ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH SỚ, 33 quyển…
Còn nhiều nữa nhưng ở đây xin lược để tránh phiền, vì những cái không quan trọng, không cần thiết cho một hành giả.
Đọc, học kinh Niết Bàn và tu tập theo kinh Niết bàn hành giả sẽ nhận thức rõ, Niết bàn của Đạo Phật là cảnh giới có thật, không phải là một “thế giới do tưởng tượng”, do gởi gắm tâm hồn mình nơi một “cõi nước” nào đó, hoặc gần hoặc xa. Đó là điều khó thứ nhất.
Đọc, học kinh Niết Bàn cần có sự đầu tư nhiều về tư duy, bồi dưỡng phát huy trí tuệ, thường củng cố định tâm, tinh tấn vận dụng quán chiếu trong cuộc sống bình nhật. Đó là nhân tố, là điều kiện để thấy Niết bàn và nhập Niết bàn. Đó là cái khó thứ hai.
Đọc, học và chứng nhập Niết Bàn, nhìn hiện tượng vạn pháp, nhận thức vũ trụ nhân sinh không còn giống như cái nhìn, cái nhận thức của chính họ ở thời gian trước đó. Giáo lý mà Phật dạy cho họ thời gian trước, họ thấy không phải mà còn ngược lại hoàn toàn. Đó là cái khó thứ ba.
Đọc, học và chứng nhập Niết Bàn, hành giả sẽ sáng tỏ đôi mắt, rửa sạch được bụi bặm rớt trong đôi mắt từ bấy lâu nay. Hành giả biết rõ Phật thường trụ, Pháp thường trụ, Tăng thường trụ. Phật không phải chết như Đức Thích Ca đã từng chết ở rừng Ta La song thọ như mọi người vẫn thường nghĩ. Đó là cái khó thứ tư.
Đọc, học kinh Niết Bàn, người đệ tử Phật phải học, hiểu về PHÁP THÂN PHẬT. Trụ chấp ỨNG HÓA THÂN PHẬT, thì không nên nghe, đọc, học kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN. Vì có học cũng không hiểu. Hiểu sai lạc sanh tâm bất mãn bất bình thì lại mắc cái tội phỉ báng chánh pháp Đại thừa, thiệt thòi, lỗ lã hơn nhiều. Đó là cái khó thứ năm.
Đọc, học kinh Niết Bàn và nhập Niết bàn, hành giả thấy rõ tất cả mọi người đều có khả năng thành Phật, mọi người sẽ được thành Phật. Kể cả những người mà người đời cho là bất nhân thất đức, tạo nhiều tội ác nặng nề. Đó là cái khó thứ sáu.
Đọc, học kinh Niết Bàn có những cái khó như thế, người đọc, học, nghe kinh Niết bàn cần kiên trì, nhẫn nại, phấn đấu tư duy, nhận thức để vượt qua !
Tôi soạn bộ kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN này, dựa trên bản dịch của Hòa Thượng GIÁO THỌ SƯ của tôi, Thượng TRÍ hạ TỊNH, vị ân sư đã đào tạo, uốn nắn, dạy dỗ tôi từ hơn 50 năm trước. Bản dịch của Hòa Thượng được tái bản nhiều lần, lưu truyền khắp nước Việt Nam. Các tòng lâm tự viện đều có tôn thờ và thọ trì đọc tụng. Lần tái bản năm 1991 do Thành hội Phật Giáo Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, có lẽ là lần tái bản gần đây nhất.
Soạn bộ kinh này tôi lấy tên ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG. Nó được xem là một giáo tài hay một giáo án để tôi triển khai cho những hàng hậu học đang học các lớp CAO ĐẲNG NỘI MINH, cho những ai có chí hướng thượng Đại Thừa và các Phật tử tại gia có cùng chí hướng.
Ý nguyện, thiện chí của tôi là như thế, nhưng cho đến bây giờ, việc làm này tôi hứa với lòng và gởi đến những ai được đọc bộ giáo tài này, rằng: tôi làm đến đâu, biết đến đó. Có hoàn thành trọn bộ và như ý hay không, tôi xin khất, không dám hứa.
Hiện nay, mùa thu năm Canh Thìn, tháng 9 năm 2000, tuổi đời của tôi đã vượt quá “Cổ lai hy”. Đó là cái lý do tôi không dám hứa và cũng là lý do để tôi xin được các bậc cao minh lượng tình xá cho những gì sơ suất nếu có trong tác phẩm này.
Để kết thúc lời tiểu dẫn, chúng ta cùng ôn lại nguồn tư tưởng trác tuyệt Đại thừa của bậc long tượng tiền bối.
“Thân tại hải trung hưu mích thủy,
Nhật hành lãnh thượng mạc tầm sơn”
Dịch nghĩa:
“Lội trong nước chớ ngây thơ tìm nước
Đi trên non đừng phí sức tìm non”
Viết tại Thao Hối Am
Mùa thu, năm Canh Thìn, tháng 9 năm 2000
Phật lịch 2544
Thích Từ Thông Hòa Thượng
Đánh giá
There are no reviews yet