Mô tả
Những điều căn bản trong tôn giáo Islam
Vài nét về tác giả
Ông M. Fethullah Gülen sinh ra tại tỉnh Erzurum, phía Đông của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1938. Ông là một học giả, một nhà tư tưởng khoáng đạt, tác giả của nhiều cuốn sách và là một nhà thơ nổi tiếng. Ông được đào tạo trong các viện thần học và được nhiều học giả nổi tiếng và những bậc thầy về đạo dìu dắt. Ngoài các học viện thần học, ông cũng ghi danh vào các trường đại học chuyên ngành và tốt nghiệp về ngành khoa học và xã hội. Với tính thông minh và cần cù, ông đã vượt qua những người cùng lứa tuổi khá nhanh chóng. Vào năm 1958, sau khi đỗ trạng khoa, ông được cấp bằng giáo sĩ chuyên về thuyết giáo. Chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, với tài thuyết giáo trác tuyệt, ông đã được giao cho trọng trách tại Izmir, một tỉnh lớn thứ ba tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nơi đó, ông bắt đầu thiết kế chủ đề riêng và bắt đầu thuyết giáo về chủ đề đó. Từ từ, chủ đề của ông bắt đầu thu hút nhiều người đến. Trong tất cả các bài nói chuyện hay thuyết giáo, lúc nào ông cũng nhấn mạnh về các vấn đề xã hội đương thời. Mục đích là phối hợp mặt trí tuệ, tâm linh và làm một cuộc cách mạng thay đổi xã hội qua các hoạt động nhân đạo.
Một thời gian sau, ông phát triển chủ đề của ông vượt ngoài khu phố nhỏ và bắt đầu du hành qua các vùng lân cận trong miền Anatolia, khu vực làm ăn buôn bán nổi tiếng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông thuyết giáo và tổ chức các cuộc nói chuyện khắp mọi nơi từ các thánh đường lớn đến các phòng họp và ngay cả tại những khu phố thương mại. Từ đó, ông có cơ hội quen biết với nhiều tầng lớp, trong đó có giới nghiên cứu, giới giáo dục, thanh niên, sinh viên, học sinh… Ngoài ra, ông không giới hạn các cuộc nói chuyện đơn thuần về mặt tôn giáo mà còn nói về vấn đề giáo dục, khoa học, về thuyết tiến hóa của Đác-uyn, về kinh tế và sự công bằng trong xã hội. Qua chiều sâu và chất lượng của các buổi thuyết giáo và thuyết trình, nhiều người hưởng ứng và ông đã lấy được cảm tình của nhiều tầng lớp qua lối thuyết giáo và nhân phẩm trác tuyệt của ông.
Vào năm 1981, ông xin nghỉ vị trí giáo sĩ sau khi thuyết giảng trên 20 năm cho giới thanh niên, sinh viên và mọi tầng lớp trong xã hội. Công trạng của ông về mặt cải tổ giáo dục kể từ thập niên 1960 làm cho ông trở thành một nhà cải tổ xã hội được mọi người kính nể. Từ năm 1988 cho đến năm 1991, ông đã miệt mài thuyết giáo với tư cách là nhà thuyết giáo hàng đầu ở các thánh đường nổi tiếng tại các tỉnh đông đúc nhất đồng thời tham gia các cuộc hội thảo tại các giảng đường và các hội nghị trong nước và Tây Âu.
CHỦ ĐỀ CỦA ÔNG
Trong các bài thuyết trình và bài viết, ông Gülen đã trình bày cho thính giả và độc giả thấy tại thế kỷ thứ 21 này về sự phục hưng, về tâm linh và giá trị luân lý đã bị lãng quên trong quá khứ, một thời đại mới về trí tuệ, sự cảm thông, sự liên đới giữa các quốc gia trên thế giới để cùng nhau tiến bước và san sẻ cùng một nền văn minh với nhau. Trong lĩnh vực giáo dục, ông đã chĩa mũi dùi tiên phong thiết lập các tổ chức từ thiện nhằm giúp đỡ người nghèo ở trong và ngoài nước Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cổ vũ các hệ thống báo chí và cơ quan truyền tin, nhất là các cơ quan truyền hình nên thông báo và đưa các vấn đề bất kể lớn hay nhỏ, cá nhân hay xã hội lên thành chủ đề để thảo luận và tìm giải pháp chung.
Ông tin rằng giải pháp để đạt sự công bằng trong xã hội lệ thuộc vào sự giáo dục với chất lượng cho tất cả mọi người. Qua đó, mọi người trong xã hội mới có thể cảm thông và tôn trọng quyền hạn của người khác. Vì thế, ông đã miệt mài trong nhiều năm, khuyến khích giới lãnh đạo trong cộng đồng, các vị kinh doanh có tên tuổi trong nước, các nhà tư bản có địa vị trong xã hội nên hỗ trợ cho chương trình giáo dục có chất lượng. Từ những số tiền do tư gia và quần chúng hỗ trợ, ông đã thiết kế nhiều mái trường ở trong và ngoài nước để cung cấp nền giáo dục với chất lượng cao cho mọi người.
Ông nói rằng trong thế kỷ hiện đại, giải pháp duy nhất để cho người khác có thể chấp nhận tư tưởng của mình là qua lý luận và sự thuyết phục. Ông nói những kẻ đã ép buộc người khác chấp nhận quan điểm của mình bằng vũ lực thì chỉ chuốc lấy sự thất bại mà thôi. Con người lúc nào cũng muốn có sự lựa chọn ở tất cả mọi mặt trong cuộc sống dù cho là vấn đề tâm linh hay tôn giáo. Ông nói: “Mặc dù nền tự do dân chủ có khuyết điểm nhưng nó là hệ thống chính trị tương đối hơn tất cả các hệ thống khác mà con người có thể thiết lập trong thời hiện đại. Bởi vậy, mọi người nên hỗ trợ và tạo nhịp cầu thiết lập những hệ thống mang tính cách dân chủ để xây dựng một xã hội trong đó quyền tự do dân chủ và cá nhân được bảo vệ và sự công bằng cho tất cả mọi người là điều khả thi hơn là một giấc mơ.
SỰ ĐỐI THOẠI GIỮA CÁC TÔN GIÁO VÀ TRAO ĐỔI VĂN HÓA
Từ khi rút khỏi vị trí giáo sĩ chuyên nghiệp, Ông Gülen đã đổ dồn năng lực vào việc đàm thoại giữa các phe phái đại diện cho các ý thức hệ khác nhau về tôn giáo, văn hóa, tư tưởng hay quốc gia. Vào năm 1999, ông thuyết trình bài “Sự cần thiết của việc đối thoại giữa các tôn giáo” tại hội đồng tôn giáo thế giới tại tỉnh Cape Town, ở Nam Phi vào ngày mồng 1 và ngày mồng 8, tháng 12, năm 1999. Ông nhấn mạnh rằng “sự đối thoại là cần thiết” và tất cả mọi người bất kể màu da hay chủng tộc, các đảng phái hay các hệ thống chính trị khác nhau đều san sẻ những điểm tương đồng hơn là đối nghịch với nhau.
Ông nói rằng muốn có sự thông cảm giữa con người với con người thì cần phải có sự đối thoại với nhau. Để tiến đến mục đích đó, ông đã thành lập hội Văn Học và Báo Chí vào năm 1994 nhằm đả thông sự bế tắc giữa các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Qua việc làm đó, ông đã được mọi người hưởng ứng nhiệt liệt và bắt đầu thành lập mối quan hệ với giới lãnh đạo không những trong nước và ngay cả những vị lãnh đạo trên thế giới. Trong đó, ông đã tiếp xúc với Đức Giáo Hoàng John Paul II, Đức Hồng Y John O’Connor của New York, ông Leon Levy, cựu chủ tịch của hội Chống Kỳ Thị Chủng Tộc. Đó là số người có tên tuổi mà ông đã tiếp xúc để mở đầu các cuộc đàm thoại. Ngay cả trong nước Thổ Nhĩ Kỳ, ông đã tiếp chuyện với vị đại sứ bổ nhiệm của Vatican làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ, vị giáo trưởng của cộng đồng Armeni, vị giáo trưởng của cộng đồng Do Thái giáo để cùng nhau xúc tiến việc làm thế nào để thành lập các cuộc đàm thoại giữa những nhóm người khác tín ngưỡng một cách thành tâm với nhau.
Khi gặp Đức Giáo Hoàng John Paul II tại Vatican vào năm 1998, ông đệ trình các phương án cụ thể để chấm dứt sự xung đột tại miền Trung Đông nơi xuất phát của 3 tôn giáo chính trên thế giới qua những công trình hợp tác với nhau. Trong dự kiến đề nghị, ông nhấn mạnh rằng khoa học và tôn giáo là hai lĩnh vực xuất phát từ nguồn thực tại duy nhất, “Từ thuở xa xưa đến nay, đôi lúc con người phủ nhận tôn giáo dưới danh nghĩa của khoa học và phủ nhận khoa học dưới danh nghĩa của tôn giáo. Cả hai đều đưa ra lập luận đối chọi với nhau. Tuy nhiên, tất cả mọi kiến thức đều thuộc về Thượng Đế và tôn giáo cũng thuộc về Thượng Đế. Thế thì tại sao lại có sự bất đồng đó? Bởi vậy, sự kết hợp của chúng ta hướng về các cuộc đàm thoại giữa các tôn giáo sẽ khai mở sự hiểu biết và thông cảm giữa loài người với nhau.”
Ông Gülen đưa ra bài báo tuyên bố trước công chúng và cực lực phản đối hành động của những tên đã gây ra thảm trạng ngày 11 tháng 9 năm 2001 mà ông cho là hành động đả phá nền an ninh thế giới và gây sự hiểu lầm cho những người có đức tin: “… bạo lực không bao giờ có chỗ đứng trong Islam và cũng không phải là phương tiện để thực hiện cho mục đích của Islam. Một tên khủng bố không bao giờ là một người Muslim và một người Muslim không bao giờ là một tên khủng bố. Những người Muslim là những người đại sứ cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng.”
Nỗ lực của ông cho nền hòa bình trên thế giới vang vọng tại khắp các cuộc hội nghị và nơi trao đổi quốc tế. Hội nghị về “Anh Hùng Hòa Bình” tổ chức tại đại học Austin, bang Texas, Hoa Kỳ vào ngày 11-13 tháng 4 năm 2003 đã lên danh sách của các vị hy sinh vì nền hòa bình trên thế giới trong 5000 năm qua, trong đó có Đức Chúa Giê-su, Đức Phật Tổ, ngài Mohanđas Gandhi, ông Martin Luther King Jr., Mẹ Teresa và ngay cả ông Gülen cũng đã được liệt kê, vinh danh là một trong những người anh hùng hòa bình trong lịch sử hiện đại.
Tập san “The Muslim World”, một tập san chuyên môn nghiên cứu về Islam và mối quan hệ giữa Thiên Chúa giáo và Islam đã phát hành số đặc biệt (tập 95, số 3, tháng 7 năm 2005) nói về “Islam và Thổ Nhĩ Kỳ thời nay: Sự đóng góp của ông Fethullah Gulen” tập trung những bài nghiên cứu về công trình đóng góp của ông do những người cùng thời đã viết.
Viện đại học Rice, tại tỉnh Houston, bang Texas ở Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc hội nghị đầu tiên về “Islam trên thế giới thời nay: Phong trào của ông Fethullah Gulen về mặt tư tưởng và thực hành” vào tháng 11 năm 2005, một hội nghị nói về sự nghiệp, thành tích của ông Gulen qua tất cả mọi khía cạnh trong bốn thập niên trôi qua.
Về mặt báo chí và nguyệt san, ông đã tham gia viết vô số các bài điểm báo quan trọng cho những tập san lớn, trong đó có nhiều tập san đã được dịch sang các ngôn ngữ khác.
Về mặt giáo dục, tiền quỹ được ủy thác cho hội giáo dục của ông đã thiết lập hàng ngàn cơ quan phi lợi nhuận lớn nhỏ khác nhau. Những cơ quan giáo dục này được thiết lập ở trong và ngoài nước Thổ Nhĩ Kỳ, cung cấp các học bổng cho người nghèo ở mọi nơi trên thế giới.
Mặc dù mọi người đều biết tiếng tăm nhưng ông Gulen không muốn tham gia vào diễn đàn chính trị. Những người yêu mến và hỗ trợ ông đến từ mọi thành phần, từ giới báo chí, giáo dục, truyền hình, truyền tin, chính trị gia, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và trên thế giới. Tất cả đều công nhận ông là một nhà sáng lập và cải tổ xã hội, đã thực hiện những điều do chính ông giảng dạy. Họ đều công nhận ông là một người hoạt động vì hòa bình, một nhà tư tưởng, một vị học giả uyên thâm về đạo giáo, một nhà dìu dắt, tác giả của vô số sách báo, một nhà thơ, một nhà trí thức và bác sĩ tâm linh lúc nào cũng dìu dắt người khác tìm sự an bình và giải quyết những bế tắc trong xã hội. Mọi người đều công nhận phong trào mà ông đã đề ra là phong trào cho sự giáo dục, nhưng là giáo dục cho trái tim và linh hồn, và cũng là giáo dục cho trí tuệ mà mục đích là để làm sống lại, thổi sinh khí vào mỗi cá nhân để trở thành yếu tố cho sự tốt lành và phục vụ vì hạnh phúc của người khác.
Đánh giá
There are no reviews yet