Mô tả
Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến (3 Quyển) – Nguyễn Tấn Long
Thi nhân là kẻ hòa lòng mình vào cảnh vật. Tiếng nói của họ là tiếng nói của sinh hoạt thiên nhiên. Đọc lại thơ của họ là đọc lại hình ảnh của tâm linh và nghệ thuật.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, phải nói năm 1932 đã xảy ra một sự kiện quan trọng. Có thể coi đó là một biến cố lịch sử, làm đảo lộn cả khuynh hướng tư tưởng, hình thành một hướng đi mới, và mọi ý thức mới về văn nghệ.
Nếu bảo thế hệ văn học 1932 là thời kỳ thoát thai, thì chính sự thụ thai của nó là thời kỳ 1922 – 1926. Vào lúc đó, chúng ta thấy những thất bại quân sự làm tắt lịm mọi niềm tin, gieo mầm chán nản vào lớp sĩ phu khiến họ không còn nghĩ đến chiến đấu. Những bậc túc nho đi tìm quên lãng trong việc khảo cứu, dịch sách, viết báo; lớp người trẻ thì say sưa đi tìm những cảm giác thê lương, ốm yếu để rồi tự hủy mình trong tuyệt vọng trước một viễn cảnh tương lai đen tối.
(….) Suốt nửa năm 1933 và 1934, trong lúc cuộc khẩu chiến và bút chiến giữa hai phái thơ cũ nói tranh luận nhau, Tản Đà hình như tự đặt mình ngoài vòng, mặc dù đã bị báo Phong Hóa thỉnh thoảng lôi ông ra chế biếm. Tuy nhiên, ngày 30-11-1934, Tản Đà có viết một loạt bài đăng ở Tiểu thuyết thứ bảy nhan đề Phong trào thơ mới, ông trình bày với mọi người những bài thơ ông làm cách đây 20 năm; những bài thơ không theo lối cũ, mà không tự gọi là thơ mới. Tản Đà dùng lời lẽ ôn hòa cảnh tỉnh lớp người mới, cái mà lớp người trẻ gọi mới, chính Tản Đà đã trải qua, hay ít ra đã nếm thử nó. Chỉ có khác ở nội dung, thơ Tản Đà ý tứ không thiên về lãng mạn như những thơ mới của phái thi nhân trẻ.
Thế thì cái mới của phái trẻ, theo Tản Đà, chỉ là cái ồ ạt của tâm hồn họ, họ chỉ thấy nội giới tâm hồn mà không thấy ngoại giới vũ trụ. Chỉ trích như vậy, Tản Đà muốn nói lớp người trẻ chỉ là một động lực hăng say, bồng bột và lầm lẫn. Vì phần chủ quan quá mạnh, họ có thể tự đánh lừa họ.
Xưa nay không cuộc chiến tranh nào không có kết thúc. Nhưng, mọi kết thúc không nhất thiết phải giống nhau. Có những cuộc chiến tranh khi chấm dứt hai bên còn nuôi hận. Có những cuộc chiến tranh tàn phai trong bẽ bàng, im lặng. Có những cuộc chiến tranh chấm dứt bằng tang tóc đau thương.
Cuộc bút chiến giữa hai nền thơ cũ, mới ở Việt Nam thoát ra ngoài công lệ ấy. Nó kết thúc bằng tình tha thiết của dân tộc, bằng tình thương của lớp người giữa hai thế hệ, bằng nguồn thông cảm của những đứa con cùng chung bầu sữa mẹ.
Đánh giá
There are no reviews yet