Vua Gia Long Và Người Pháp – Thụy Khuê

350,000 

Vua Gia Long và người Pháp – Khảo sát về ảnh hưởng của người Pháp trong giai đoạn triều Nguyễn

Tác giả: Thụy Khuê (biên khảo)
NXB Hồng Đức 2017
671 Trang

Mô tả

Đọc Vua Gia Long và người Pháp – Để biết rõ đời sống người Việt trong khoảng hơn 200 năm nay.

Sự vắng mặt một nền nghiên cứu sử học có hệ thống về triều đại nhà Nguyễn trong khoảng 100 năm nay, cộng thêm sự chôn vùi và bôi nhọ nhà Nguyễn, vì lý do chính trị của chính quyền miền Bắc, đã tạo ra một thế hệ người Việt không biết rõ sử của nước mình, từ cuối thế kỷ XVIII đến ngày nay tức là gần ba thế kỷ. Lỗ hổng không thể lấp nổi này, hiện nay quá trễ với một số người nhưng còn có thể cứu vãn với một một số người khác nếu chúng ta kịp thời hành động. Để làm gì?

Để biết rõ đời sống người Việt trong khoảng hơn 200 năm nay.

Để biết những gì đã thực sự xảy ra trong lịch sử. Để biết những khó khăn của triều Nguyễn, trong việc giữ gìn xứ sở được toàn vẹn trong gần 100 năm, khi làn sóng Âu Châu tràn sang chiếm hữu Á Châu, khiến những nước lớn như Ấn Độ, Miến Điện bị chiếm hữu, nước Tàu bị liệt cường xâu xé. Biết Gia Long vừa lên ngôi đã phải đối phó với tham vọng Anh, Pháp nhòm ngó lãnh thổ, Minh Mạng kiến thiết và bảo toàn bờ cõi, Thiệu Trị bị tàu Pháp đánh lén, chấm dứt hy vọng thông thương, Tự Đức chống trả với Pháp trong gần ba mươi năm, trong những điều kiện như thế nào.

Để biết những gì người Việt thực sự đã làm, mà người Pháp thực dân tìm cách cướp công.

Lịch sử không chỉ nằm chết trong những ngày tháng bất động, ai thắng, ai thua, mà lịch sử còn là đời sống con người, là Vua Gia Long đối phó như thế nào khi tàu Việt bị tàu Anh bắt giữ? Người dân cửa biển Đà Nẵng phản ứng thế nào khi thấy tàu ngoại quốc tiến vào bến cảng?

Lịch sử còn là tìm hiểu việc các sứ bộ Anh, Pháp đến xin “thông thương”, mà chúng ta ngây thơ tưởng họ chỉ xin “buôn bán” mà các vua bế quan tỏa cảng không cho. Thực ra, sự “thông thương” của họ có nghĩa là xin một mảnh đất, một thành phố, để đặt bản doanh trên nước Việt. Lịch sử còn là sự tiếp đãi một tàu ngoại quốc dưới thời Gia Long, Minh Mạng như thế nào và những sự kiện này đã bị sử gia thực dân xuyên tạc ra sao?

Lịch sử còn là sự điều tra xem những gì đã xảy ra, khi hai tàu chiến Pháp Gloire và Victorieuse do Lapierre và Rigault de Genouilly điều khiển, đến Đà Nẵng, ngày 15/4/1847, đã tấn công lén, tiêu diệt 5 thuyền chiến bọc đồng của triều đình, rồi bỏ trốn, khiến vua Thiệu Trị phẫn uất mà chết trong những tháng sau đó. Nhưng phía Pháp, câu chuyện được trình bày ngược lại: Tàu Pháp đến để “cứu” Giám mục Lefèbvre (đã được vua Thiệu Trị trả tự do từ trước); đậu ở Đà Nẵng, bị 5 tàu đồng Việt “tấn công” và đã chuốc lấy thảm bại!

Lịch sử bắt buộc chúng ta phải điều tra lại tất cả những gì được các sử gia thực dân đưa ra, được người Việt chép lại, rồi phải xem xét, đọc lại những bàn định, những kế hoạch, trong triều Thiệu Trị, phải khảo sát những chi tiết nhỏ xảy ra tại hiện trường, để đối chiếu với những gì mà Thuyền trưởng Lapierre công bố trên báo chí thời đó hòng che giấu, lấp liếm sự thật.

Điều tra như vậy để làm gì? Điều tra để tìm lại sự thực lịch sử, dĩ nhiên, nhưng không chỉ lịch sử trận Đà Nẵng 15/4/1847. Trận Đà Nẵng chỉ là một yếu tố trong lịch sử, mà lịch sử bao gồm hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn, yếu tố… mọi yếu tố đều phải soi rạng, chiếu kỹ đến cùng.

Bởi nếu không điều tra, chúng ta sẽ phải đời đời chấp nhận, những “sự thực” của sử gia thực dân, như: Vua Gia Long nhờ nước Pháp mới lấy lại được ngai vàng, Olivier de Puymanel là thủy tổ xây dựng nên các thành trì Vauban ở Việt Nam,… ngày nay phơi bày trên Wikipédia, bằng nhiều thứ tiếng, kể cả tiếng Việt.

Điều tra để rút kinh nghiệm quá khứ, cho hiện tại và tương lai.

Điều tra bởi vì công việc các sử gia nhà Nguyễn, trong suốt chiều dài hơn một thế kỷ, đã không được tiếp nối, trong thời kỳ Pháp thuộc, hoặc có, nhưng dưới sự giám định và bóp méo của chính quyền thực dân. Không được tiếp nối, bởi vì sau Hiệp định Genève (1954), đất nước chia đôi, và rơi vào cuộc chiến 20 năm, miền Bắc ở trong thể chế toàn trị, còn miền Nam tương đối tự do hơn, nhưng cũng không xây dựng được một nền sử học có cơ sở.

Lịch sử là môn học và nghiên cứu vô cùng lôi cuốn, là một cuộc điều tra không ngừng về dữ kiện và con người, về sự man trá và chính trực của con người, là kho tàng chứa những kinh nghiệm cứu nước, giữ nước và xây dựng đất nước. Sở dĩ học trò không muốn học lịch sử vì người ta đã thay thế phương pháp đào bới sự thực bằng phương pháp chôn vùi sự thật. Tất cả những oan khuất của con người, trong những thế hệ đã qua, đều nằm trong da thịt của lịch sử, rồi sẽ được hết lớp này, lớp khác thay phiên nhau đào lên, để cởi mở, giải thoát, bởi vì sự nghiên cứu lịch sử giúp chúng ta dựng lại con người toàn diện, dựng lại một đất nước toàn diện, dựng lại một nền văn minh toàn diện, dù cho nó đã bị lấp liếm, cướp đoạt cả trăm năm, bởi những thông tin ngụy tạo.

Vua Gia Long Và Người Pháp - Thụy Khuê
Vua Gia Long Và Người Pháp – Thụy Khuê

Đánh giá

There are no reviews yet

Chỉ những khách hàng đã đăng nhập và mua sản phẩm này mới có thể đưa ra đánh giá.

Q & A

Ask a question
There are no questions yet